Ai phù hợp với nghề BA (Business Analysis)? - ITEXPERT

Ai phù hợp với nghề BA (Business Analysis)?

BA nghề đang được săn đón với mức lương cao nên thu hút được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Vậy BA làm gì? Nó cần gì và những ai phù hợp với nghề này. Bài viết này sẽ trao đổi xoay quanh những vấn đề đó.

Business Analyst là ai?

Theo BABOK “Business Analysis là thực hiện việc thay đổi một hệ thống, một doanh nghiệp từ trạng thái hiện tại sang trạng thái tương lai (mong đợi) thông qua việc xác định nhu cầu và đề xuất giải pháp nhằm đem lại các lợi ích cho các bên liên quan”.

Business Analyst là người thực hiện chính công việc Business Analysis, phần còn lại có thể do một số vai trò khác đảm nhiệm.

Xem xét mô hình hóa qui trình dưới đây để hiểu rõ hơn công việc của Business Analyst:

Mo hinh quy trinh BA

Cũng theo BABOK, BA có rất nhiều khía cạnh như Cải tiến công ty, Cải tiến qui trình, Hệ thống CNTT, Hệ thống BI(Business Intelligence) và Agile. Ở đây, chúng ta chỉ nói về dự án Công nghệ thông tin.

Business Objectives (Mục tiêu kinh doanh): là mục đích kinh doanh mà dự án cần đạt được. BA cần xác định rõ được nhu cầu (needs) của dự án.

Stakeholders (Các bên liên quan): là các bên liên quan của dự án từ nhà đầu tư, bên thụ hưởng, người sử dụng, nhóm dự án .. Mỗi bên đều có nhu cầu, công việc riêng trong dự án mà BA cần phải làm việc với họ.

Solutions (Giải pháp): thực tế thì BA không phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra giải pháp (có thể do Solution Architecture hoặc nhóm dự án đưa ra) nhưng BA chịu trách nhiệm đảm bảo giải pháp đưa ra đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Transition (sự chuyển đổi): BA cũng chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo dự án được triển khai thành công, có nghĩa là phải chuyển được từ trạng thái hiện tại (Current State) sang trạng thái mong đợi (Future State).

Những công việc mà Business Analyst thực hiện

Từ trách nhiệm chung của BA ở trên, BABOK đã triển khai ra các nhiệm vụ cơ bản của BA trong quá trình thực hiện dự án như sau:

  • Lập kế hoạch và giám sát công việc
  • Lấy yêu cầu
  • Phân tích yêu cầu
  • Đề xuất giải pháp
  • Đánh giá giải pháp
  • Đặc tả và quản lý các yêu cầu

Chi tiết các công việc này bạn có thể đọc trong BABOK guide, trong khuôn khổ bài viết này tôi không trình bày chi tiết việc này.

Những kỹ năng cơ bản của một BA cần có?

Cũng theo BABOK để trở thành một BA giỏi bạn cần có các kỹ năng cơ bản sau:

Analytical Thinking and Problem Solving (tư duy phân tích và giải quyết vấn đề): đây là bộ kỹ năng rất quan trọng để giúp bạn hiểu nhanh, chính xác các vấn đề và nhận diện được giải pháp đúng. Chúng bao gồm bộ các kỹ năng như: Creative Thinking (tư duy sáng tạo), Decision Making (ra quyết định), Learning (học tập), Problem Solving (giải quyết vấn đề), Systems Thinking (tư duy hệ thống), Conceptual Thinking (tư duy tổng thể), và Visual Thinking(tư duy trực quan). Các kỹ năng này bạn phải học và rèn luyện thành thục thì mới sử dụng hiệu quả được.

Business Knowledge (Kiến thức về kinh doanh): để làm tốt về BA cho một hệ thống bạn cần phải hiểu rõ nghiệp vụ của hệ thống đó cũng như môi trường kinh doanh của hệ thống đó. Do vậy bạn cần có kỹ năng để học hỏi, tìm hiểu về các nghiệp vụ, lĩnh vực kinh doanh đó.

Communication Skills (Kỹ năng giao tiếp): BA cần giao tiếp với rất nhiều người như khách hàng, nhóm dự án, PM … nên BA cần có kỹ năng giao tiếp tốt.

Ai có thể trở thành BA -2

Hình mô tả công việc của Business Analyst (được trích từ bài viết của ITVIEC)

 

Interaction Skills (Kỹ năng tương tác): đây là bộ kỹ năng cộng tác trong công việc nó bao gồm các kỹ năng như cộng tác, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc nhóm, hỗ trợ, giảng dạy… Rất cần để BA làm việc với nhiều đối tượng trong dự án.

Tools and Technology (Công cụ và Kỹ thuật): Công nghệ và kỹ thuật giúp các bạn thực hiện các nhiệm vụ một cách thuận lợi hơn. BA cần các công cụ như office để soạn tài liệu, trình bày, mô hình hóa để vẽ các qui trình, công cụ phân tích để phân tích và ra quyết định, kỹ năng giao tiếp để giao tiếp hiệu quả với mọi người.

Tất cả các kỹ năng này bạn đều có thể học và rèn luyện được thông qua quá trình làm việc, tham gia công tác đoàn đội, công tác ở lớp, ở trường, ở địa phương v.v.. Khi bạn năng động, các kỹ năng này sẽ được trao dồi.

Những ai phù hợp với vai trò Business Analysis?

Như vậy chúng ta đã hiệu sơ bộ Business Analyst làm gì?, cần những kỹ năng gì? Bây giờ chúng ta sẽ vẽ ra những ai phù hợp với ngành nghề này:

  • Kiểm thử phần mềm (Tester): sau thời gian làm tester, bạn đã am hiểu về dự án và có kiến thức về qui trình, giải pháp v.v.. đó là điều thuận lợi để bạn chuyển qua BA.
  • Phiên dịch (Comtor or Translator): nếu bạn làm phiên dịch trong các dự án phần mềm bạn cũng có kiến thức tương tự như tester ở trên và thông thường bạn có lợi thế về giao tiếp nữa nên sẽ rất thuận lợi khi bạn chuyển sang làm BA. Thời gian đầu có thể các kiến thức kỹ thuật gây khó khăn cho bạn nhưng nếu chịu khó học hỏi bạn sẽ sớm làm quen.
  • Lập trình viên (Dev): đôi khi bạn chán code, hoặc đơn giản là muốn trải nghiệm công việc thú vị như BA bạn hoàn toàn có thể chuyển sang. Với lợi thế về kiến thức kỹ thuật thì bạn sẽ dễ hiểu về yêu cầu, phân tích, mô hình hóa v.v.. Tuy nhiên, bạn rất cần cải thiện về kỹ năng giao tiếp để làm việc với nhiều người.
  • IT tại các doanh nghiệp: nếu bạn có kiến thức về BA bạn sẽ sớm nhận ra các vấn đề cần cải tiến của doanh nghiệp và có đóng góp lớn cho công ty từ đó nâng cao vai trò của bạn. Bạn là người phù hợp nhất để làm BA cho chính công ty bạn khi bạn có kiến thức về kỹ thuật, kiến thức về kinh doanh và có kinh nghiệm giao tiếp nhiều người.
  • Sinh viên ngành hệ thống thông tin, Thông tin quản lý: đây là nhóm sinh viên phù hợp nhất cho nhóm ngành BA khi bạn có kiến thức kỹ thuật, kiến thức về kinh tế, qui trình, kinh doanh… Vấn đề của các bạn là kinh nghiệm. Do vậy, hãy tham gia khóa học hoặc các hoạt động để nâng cao khả năng, kinh nghiệm của mình để chuẩn bị cho công việc sau tốt nghiệp.
  • Sinh viên ngành công nghệ phần mềm, khoa học máy tính: bạn có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, tuy nhiên nếu bạn chọn BA bạn cũng có nhiều lợi thế về chuyên môn kỹ thuật, bạn sẽ dễ dàng hiểu được giải pháp, các vấn đề phân tích. Vấn đề bạn cần cải thiện là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và kỹ năng quản lý.
  • Những người thích trở thành BA: nếu bạn thích và sẵn sàng học hỏi thì không có gì ngăn cản bạn trở thành BA, bởi lẽ đây là công việc thú vị và nó phù hợp với rất nhiều người có kỹ năng giao trình, trình bày tốt và ưa khám phá.

Tóm lại

Có rất nhiều đối tượng tiềm năng để trở thành Business Analyst. Tuy nhiên, để trở thành BA giỏi bạn cần nghiên cứu kỹ mô tả công việc của BA, các kỹ năng cần có để trang bị và sớm tham gia vào các hoạt động liên quan để xây dựng kinh nghiệm cho mình.

Chúc các bạn thành công.